Quá trình phát triển của Thông bối quyền Thông bối quyền

Thông Bối quyền là một môn võ xuất xứ từ chốn dân gian ở miền Bắc Trung Hoa và ban đầu không phải của Thiếu Lâm, đây là môn võ thuần chủng nội địa được sản xuất tại Trung Hoa đại lục (made in China), nhưng lại không được người đời sau xếp vào Nội gia quyền thì mới biết là sự phân chia võ phái Nội gia và Ngoại gia là không có cơ sở thống nhất rõ ràng mà do quan điểm và ý thích cá nhân.

Sự phát triển của Thông Bối quyền do vậy cũng lưu hành trong dân gian, không hề có sự tham gia của các võ quan trong chốn quan trường như một số môn võ khác (chẳng hạn Phiên tử quyền, Ưng trảo quyền và Hình Ý Linh Thú quyền của Nhạc Phi, một danh tướng thời Nam Tống hay như Yến Thanh quyềnBát quái chưởng cũng đã từng lưu lạc trong chốn quan viên).

Trường võ thuật dạy Thông Bối quyền đầu tiên là Trung ương Quốc Thuật Quán thành lập tại Nam Kinh năm 1928 bởi Tưởng Giới Thạch sau vụ các thuộc hạ của ông ta phóng hỏa đốt chùa Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam [1]. Người chủ nhiệm chương trình này là Thượng tướng lục quân Trương Chi Giang dưới thời Trung Hoa Dân Quốc, từ đó võ thuật Trung Quốc mới được vinh danh là Quốc thuật. Sự thành lập tổ chức này đã đẩy phong trào luyện võ lên cao chưa từng thấy trong lịch sử võ thuật Trung Hoa và kéo dài cho đến thời kỳ sau này của nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo.

Trong thời kỳ hưng thịnh của Trung ương Quốc Thuật Quán, cơn sốt võ thuật lan rộng khắp Trung Hoa, nhiều cuộc khảo thí các bộ môn quyền thuật được tổ chức khắp nơi, Thông bối quyền và các môn quyền thuật khác cũng được phát triển mạnh trong thời kỳ này. Danh gia Tu Kiếm Si người tỉnh Hà Nam được mời làm trọng tài Quốc thuật năm 1933, ông vừa làm trọng tài vừa truyền thụ Thông bối quyền nhiều năm làm cho Thông bối quyền trở nên phát triển rộng ra sau này.

Sau khi nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập (1949), võ thuật (Wushu) được Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhà nước coi trọng và xem là tài sản văn hóa của quốc gia, các chương trình huấn luyện và tổ chức thi đấu được đưa vào phạm vi chương trình giáo dục thể thao toàn quốc. Thông bối quyền chính thức được đưa vào nội dung thi đấu các bộ môn quyền thuật truyền thống.

Năm 1977 Thông bối quyền được đưa vào mục thi đấu võ thuật truyền thống toàn quốc. Năm 1980, võ thuật được phân loại thành các nhóm bộ môn quyền thuật và xếp theo mục tổ chức thi đấu theo loại nhóm quyền, có hai nhóm được phân chia ra theo truyền thống võ thuật Trung Hoa cổ điển: Trường quyền gồm các môn quyền của miền Bắc và Nam quyền gồm các môn quyền của miền Nam. Thông bối quyền, Phách quải quyền, và Phiên tử quyền có phong cách giống nhau nên được phân loại vào mục thi đấu thứ hai (thi đấu theo nhóm quyền), động tác được chỉnh lý qui phạm hóa theo quy định của Quy tắc thi đấu võ thuật của Ủy ban Thể dục Thể thao Toàn quốc.

Từ năm 1980 trở đi, Thông bối quyền được phát triển theo hai hướng: một là xuất phát từ võ thuật truyền thống được phát triển và lưu truyền trong dân gian, hai là phát triển theo hướng nâng cao hiệu suất biểu diễn nghệ thuật để tạo ấn tượng trong thi đấu bài quyền chính thức, tức là các Sáo lộ (Taolu), hai hướng này dần dà xa cách nhau về ý thức chủ đạo, kết cấu bài quyền và kỹ thuật, cũng như mục đích huấn luyện. Hiện tượng này không chỉ xảy ra đối với Thông bối quyền mà ở tất cả các bộ môn quyền thuật khác.